"Có gì đó ấm áp thật đấy, người ta bình yên thì mình cũng bình yên"
Uh! Đã lâu rồi tôi không thường xuyên ở nhà.
Không phải là tôi chán ở nhà, mà là thấy nơi mình ở bỗng có gì đó khá xa lạ. Nghĩ hè, nên tôi dư từng ấy những khoảng thời gian, tôi dành hầu hết thời gian rỗi để đi, tôi thích đi dạo xung quanh khu tôi sống, tôi cũng thường dùng thẻ học sinh của mình để bắt những chuyến xe bus xa, ngồi ngắm những con phố xa lạ mà tôi chưa từng biết. Tôi không về nhà nhiều nữa, họa chăng chỉ về tắm, ăn, và leo lên giường ngủ cho qua ngày, rồi lại đi đâu đó không biết. Những lý do tôi cố lãng tránh với gia đình thường là đi học thêm hoặc sang nhà bạn, thế thôi.
Tự kỉ là thế nên cũng không ít lần tôi gặp những tên móc túi, cướp đường hay thậm chí là mấy tên nghiện bỡn cợt mình. Nhưng những điều ấy chẳng thay đổi thói quen vốn ngấm vào tâm trí, tôi chỉ cẩn thận hơn và vẫn đi nhiều hơn. Sẽ có người cho rằng tôi ghét nhà mình, sự thật là không bao giờ có chuyện đó! Tôi yêu quí gia đình của mình, tuy ba mẹ đi làm sớm tối, nhưng rồi tụ họp đầy đủ tôi lại cảm thấy bình yên và ấm áp lắm. Chỉ là những ngày này tôi cảm thấy chán chường, ở nhà đối với tôi chính là cảm nhận sự gò bó, khô khan, cảm giác lẻ bóng một mình với đống sách vở sẽ không khiến tâm trạng tôi tốt hơn. Bạn bè đua nhau đi học, học ngày học đêm, chúng nó bảo tôi đi học cùng nhưng tôi lại ngán ngẩm từ chối. Cuối năm cấp III, có lẽ là một bước tiến quan trọng cho cuộc đời của mỗi người nhưng với tôi mọi thứ mà tôi cảm nhận thật sự rất vô vị, không thể phủ nhận việc tôi thật sự đã chán học. Điều tôi không thể hiểu là bọn họ lấy đâu ra cảm hứng để hăng say học tập đến như vậy? Những con chữ, những điểm số ấy có gì thú vị mà sao ai cũng cố gắng vì nó thế ? Mà họ đã tìm động lực bằng cách nào và đã bắt đầu từ đâu vậy? Tôi muốn có được những câu trả lời đó, tôi khác họ như thế nào mà họ làm được quá nhiều còn tôi lại vùi đầu vào những suy nghĩ đầy mỏi mệt, tưởng chừng chẳng còn lối thoát. Tôi cố gắng giải tỏa đống suy nghĩ nặng nề ấy bằng cách đi đến những nơi xa lạ, thoáng đãng.
Một ngày chiều như mọi hôm, khi nắng hạ đã dịu nóng, tôi quyết định chọn địa điểm ven hồ bước dạo cho khuây khỏa. Mặt hồ êm ả, gió đẩy nhè nhẹ gợn lên những dao động thẳng đều, người người trong công viên đi bộ đã bắt đầu đông hơn, ngồi một mình trên hàng ghế đá, tôi tách biệt với tất cả bằng chiếc headphone lúc nào cũng cắm vào tai vang lên những giai điệu mà mình thích. Từ lúc nào mà cái tính cách vô tư gần gũi của tôi đã bị thay thế bởi sự bất cần mà ai nhìn cũng chả muốn lại gần. Cứ ngồi suy nghĩ vẩn vơ, rồi thì tôi cũng sẽ lọt thỏm giữa bao con người đang đi lại kia, chẳng được biết tới, chẳng được hình dung.
- Chị … Chị ơi!
Ngay lúc tôi không còn gì để nghĩ đến nữa thì một tiếng gọi trong trẻo vang lên át cả tiếng nhạc than vãn trong tai
- Cậu nhóc, em cần gì thế?
- Em không thấy anh trai em đâu. Chị có thể cho em mượn điện thoại để gọi điện được không ạ?
- Ừ được! – Tôi rút tai nghe ra khỏi điện thoại – Em có nhớ số không, đọc đi chị gọi cho.
Cậu nhóc lém lĩnh đọc một mạch số điện thoại khiến tôi kinh ngạc, tuổi nhỏ như vậy mà bị lạc không khóc, lại rất bình tĩnh thuộc số người thân để nhờ gọi. Nếu là tôi chắc phải khóc thét lên giữa dòng người đông đúc vì sợ hãi. Một lúc sau tôi thấy một cậu con trai một tay cầm chiếc điện thoại cũ, một tay đẩy chiếc xe gì đó từ xa đi đến. Nhận ra anh trai, cậu bé chạy đến ôm chặt lấy anh khóc ầm lên. Giờ mới khóc đấy sao?! Người anh vỗ nhẹ vào mông trách cậu bé mãi chạy đi chơi để rồi bị lạc. Nhìn cảnh đó, tôi vừa cảm động, vừa buồn cười.
- Cảm ơn chị đã giúp đỡ thằng bé! Thật may quá! - Người anh quay sang tôi.
- Không có gì đâu! Cu cậu nhỏ vậy mà kiên cường quá, sao có thể không giúp được chứ? Với cả, em vẫn còn là học sinh, anh không cần phải khách sáo ạ!- Có vẻ thấy người ta chững chạc, tôi nghĩ mình không thể lớn tuổi hơn được.
- Ôi xin lỗi, không ngờ lại trẻ đến thế! Nhìn lớn quá mình cứ xưng bừa thôi.
Không biết đây là người thứ mấy chục nghĩ tôi lớn, hay một cách thẳng thắn là già hóa rồi. Nhìn sang cu cậu đang nghịch cái xe của anh trai, giờ tôi mới để ý cái xe đó có chữ “Chè”. Ngạc nhiên thật, một chàng trai trẻ tuổi, khỏe mạnh như vậy mà lại đi bán chè dạo. Tôi quay sang nhìn hai anh em họ với bộ quần áo cũ nát, có lẽ họ rất nghèo. Ấy vậy mà anh em họ rất niềm nở còn định mời tôi một cốc chè to tướng thay như lời cảm ơn, tôi từ chối nhưng vẫn gọi một cốc chè trả tiền hẳn hoi. Món chè “dạo” này rất ngon, ngọt mát và sạch sẽ. Nhiều người đi qua cũng dừng lại mua một cốc, tôi thấy nụ cười rất vui trên gương mặt hai anh em họ khi khách đông. Có lẽ vì khá đắt hàng nên anh em họ lạc nhau là thế.
- Khu công viên này em hay đi bộ và cũng thấy khá nhiều hàng chè, nhưng chưa thấy anh bao giờ. Rất ngon và đắt khách đấy! - tôi bắt chuyện.
- Anh mới đến bán, chứ hàng này người ta quen rồi em ạ! Người ta vẫn đến đông là vui rồi, anh còn sợ vì anh mà hàng này bị ế cơ!.
Giọng nói điềm đạm nhưng vẫn có một chút bông đùa làm tôi nhận ra đây là một người dễ gần và thú vị. Tuy nhiên không hiểu sao tôi lại không muốn nói thêm nữa, có cảm giác những điều tôi hỏi chẳng được vui. Tôi lại muốn biết vì sao anh lại phải đi bán chè dạo, trong khi tôi nhìn anh rất thông minh, lại trẻ, cứ ngỡ đang đau đầu về việc học giống tôi chứ? Tôi cũng muốn biết vì sao anh lại vừa bán chè vừa trông em như vậy… Rồi lại thôi, chuyện của anh em họ, mình chỉ là người qua đường thì biết làm gì chứ.
- Anh Đỗ Xanh nói phét! Anh không bao giờ làm ế hàng đâu chị, anh ấy bán hàng còn giỏi hơn mẹ nữa chị ạ. – Cậu em trai bỗng lại gần tui ba hoa cái miệng, có vẻ như cu cậu rất thích tôi.
- Ồ! Vậy là anh trai em đi bán hàng cho mẹ à?
- Dạ vâng ạ! mẹ em bị ốm rồi, không nấu chè đi bán được. Nhưng anh Đỗ Xanh cũng nấu ngon lắm, sáng sớm là anh đã dậy đi chợ nấu chè và bữa sáng cho em và mẹ, rồi lại chạy đi bán để kiếm tiền mua thuốc cho mẹ nữa. Sau này em lớn em cũng đi bán chè, em sẽ bán giỏi hơn anh cho coi! - Vẻ ngây thơ vô tư của nó khiên tôi không nhịn được cười.
- Nè, tên anh ấy là Đỗ Xanh vậy có phải anh ấy rất thích ăn chè đỗ xanh không hả em – tôi lém lỉnh hỏi.
- Dạ đúng rồi chị! Anh Đỗ Xanh rất thích ăn chè đỗ xanh, anh ấy nấu đỗ xanh cũng ngon nữa, ngon hơn đỗ đen nhưng em lại thích ăn chè đỗ đen hơn.
- Vậy tên em là Đỗ Đen rồi ?
- Ai cũng bảo em thế, à mà em không có đen như anh Đỗ Xanh, da em trắng, em thích làm Đỗ Trắng!
Tôi cười đến sảng khoái, còn anh Đỗ Xanh thì chỉ biết ngớ ngẩn bất lực nhìn thằng em, nhưng tôi biết anh cũng đang muốn cười lắm. Mấy vị khách xung quanh cũng mỉm cười, cậu nhóc đáng yêu thật. Hiếm khi mà tôi cảm thấy vui như vậy, niềm vui trong trẻo tự nhiên mà đến. Niềm hạnh phúc có lẽ thật nhỏ nhoi, nó khiến tôi quên đi nỗi cơ đơn lặng lẽ vốn có. Không còn vẻ mặt sợ sệt như ban nãy nữa, cậu bé rất vô tư hỏi chuyện tôi và tôi cũng hòa nhập trở thành một người bạn bé bỏng để vui đùa cùng cậu như thế. Hôm ấy, tôi đã về nhà sớm.
Mấy hôm sau, tôi không còn lang thang một cách vô mục đích nữa. Tôi thường tìm đến hàng chè dạo của hai anh em Đỗ Xanh - Đỗ Trắng. Khác hẳn vẻ mạnh bạo khi nhờ tôi gọi điện, Đỗ Trắng rất hồn nhiên, nói nhiều và láu lỉnh như bao đứa trẻ khác. Thằng bé rủ tôi chạy khắp hồ mà không biết mệt, té nước hồ mà chả quan tâm nước có sạch hay không, lấy cành cây chọc chọc vẽ xuống đất biết bao là hình thù ngộ nghĩnh. Thiết nghĩ cũng thấy mệt cho người anh trai khi phải trông một cu cậu nghịch ngợm thế này, tôi dị cũng chẳng kém nó nhưng sức đâu được như thế. Cứ được một lúc là phải hò hét nó dừng, rồi lại lôi nó đi đến nhà vệ sinh công cộng để rửa sạch tay chân mà mệt ốm người ra được. Nhưng tôi lại không thấy chán, có thể vì tôi mến thằng bé và xem nó như em trai của tôi vậy. Mặc dù có nghịch phá đến cỡ nào thì con nít vẫn chỉ là con nit thôi, chỉ cần một gói bim bim là có thể dụ được nó ngồi im.
- Nào, cho anh Đỗ Xanh ăn với chứ, gói to thế cơ mà! – Tôi bảo nó.
- Không, anh Đỗ Xanh ăn chữ no rồi, không cho ăn nữa. - Đỗ Trắng giảy nãy rồi ôm gói bim bim chạy vút ra một chỗ.
Tôi cười nhẹ lắc đầu, khi bị lạc nó nghĩ đến ai mà bây giờ đã quay ngoắc một trăm tám mươi độ rồi. Người anh nhìn về hướng em trai cũng lắc đầu hết thuốc chữa.
- Thằng bé có vẻ quý em nhỉ?
- Ôi! nghịch chết ý, lâu rồi em không có chơi với trẻ con!
- Haha, thì nó lâu lắm mới có người chơi cùng mà – Anh vui vẻ khẳng định. Dù được dạy phải cần thận với người lạ chứ vẫn hồn nhiên vui chơi lắm, nó có khả năng nhận ra ai tốt ai xấu để chơi đấy. Cảm ơn em đã chơi với nó, không thì anh cũng chẳng biết phải làm thế nào để trông nó trong cái thời gian gấp rút này!
Tôi nhìn anh, rồi lại nhìn xuống quyển sách trên tay anh đang cầm. Có lẽ cái mà nhóc Đỗ Trắng nói “ăn chữ” chính là những con chữ trong quyển sách kia. Hỏi ra mới biết anh Đỗ Xanh hơn tôi một tuổi, và chỉ còn hơn một tuần nữa là anh phải bước vào kì thi đại học. Vậy mà trong khi bao người đi ôn luyện thì anh vẫn đi bán chè phụ mẹ, rãnh rỗi lại ngồi đọc sách. Trong lòng tôi có chút gì đó nghẹn ngào, pha lẫn sự tủi hổ…
- Anh chăm học quá, chả bù cho em…
- Em cũng sắp lên 12 rồi còn gì! Trông đầy năng lượng thế này chắc hẳn phải học giỏi hơn anh nhiều. – Anh cười an ủi tôi.
- Không, năng lượng đó là chơi với Đỗ Trắng thôi… Em học kém lắm. Với cả em cảm thấy chả có mục đích hay động lực gì để học cả! – Tôi muốn nói nhiều, nhưng lại thôi. Dẫu sao người mới quen đâu thể cái gì cũng nói được.
- Em có vẻ dễ buồn và hay nghĩ ngợi nhỉ?
Bằng cách nào đó tôi nhận ra tính cách của mình rất nhanh, có thể anh có khả năng hoặc tự tôi cho người ta thấy thế. Tôi không biết nói gì cả, đưa tay bấm điện thoại vu vơ như để lảng tránh. Chẳng ai muốn nói chuyện về những nỗi buồn đâu, tôi không nên nói làm gì nữa. Ấy vậy mà anh lại lên tiếng:
- Em có biết cách để có động lực là gì không?
- Là gì vậy anh? – Tôi quay ra.
- Là đánh đối.
Tôi ngẩn người, lại chẳng biết nói gì. Anh lại nhìn về phía Đỗ Trắng.
- Em phải chấp nhận đánh mất một điều gì đó rất quan trọng nếu em không thành công. Điều anh đánh đổi chính là nụ cười của thằng bé. Nếu anh không cố đi học, không cố làm việc thì thằng bé có thể vui vẻ được như thế kia bao lâu nữa? Nghĩ đến điều đó, anh tự nhủ mình phải cố gắng hơn. Bố anh mất sớm, mẹ anh đã bán chè bao năm nay để mong anh ăn học đầy đủ, anh thà cố hết sức còn hơn để mẹ ốm, mẹ buồn.
- …
- Có thể em chưa cảm nhận được điều đó, nhiều người khi bố mẹ buồn cũng không để ý đâu. Chỉ đến khi không còn gì cả mới nhận ra được. Nhiều lần anh muốn bỏ nhà đi cho rồi vì thiếu thốn quá, nhưng bỏ đi chưa được nửa ngày thì bị cướp giựt trên đường phá quấy, bản thân không còn một đồng nào mà chúng nó còn gây sự. Chạy về nhà nhìn mẹ lo lắng hỏi con có sao không mà xót lắm! Ra đường chỗ nào cũng nguy hiểm, chẳng nơi đâu an toàn bằng nhà. Nói vậy không có nghĩa là ngồi thui thủi trong nhà, động lực của anh chỉ để về nhà thôi, mình cố gắng , mình bình yến, những người yêu thương cũng bình yên. Trưởng thành là phải học cách chấp nhận, chấp nhận những kết quả từ quyết định của bản thân mình đã đánh đổi lấy nó.
Tôi lặng người, phải một lúc sau tôi mới có phản ứng. Những lời nói chân thành ấy khiến tôi nhói đau, tôi không hình dung rõ được tại sao lại đau, nhưng tôi thấy dường như mình đã bỏ quên quá nhiều điều bình dị để suy nghĩ đến những thứ xa xôi. Nhìn dòng người qua lại bên hồ, theo một hướng khác tôi không nhìn bằng nỗi cô độc vu vơ nữa, tất cả họ dù là mỗi người một việc, không ai giống ai, nhưng họ đều đang sống và mỗi người đều có vô vàn những mục đích khác nhau để duy trì cuộc sống. Có gì để mất đâu mà phải nghĩ là nó mất?
- Cố lên!
Nói xong anh mời tôi một cốc chè, nhưng có lẽ chẳng còn gì dịu mát hơn những tâm tư anh đã chia sẽ cho tôi. Chỉ một câu “Cố lên” cũng khiến cảm xúc mình thật khác. Anh không hỏi hay muốn tôi phải nói ra nỗi niềm của riêng mình, nhưng cách anh trò chuyện với tôi cứ như tôi đã giải bày hết ra và anh hiểu hết từng dòng tâm trạng của tôi vậy. Chưa bao giờ tôi thấy thoải mái đến thế. Tôi lại bắt đầu muốn về nhà, bắt tay vào những bài học đã bị bỏ dở dang, lập ra những hoạch định cho mỗi tuần, note lại những thứ quan trọng phải giải quyết mà tôi đã từng bỏ lơi, được ăn một bữa cơm có bố mẹ bên cạnh, mở tivi xem hoặc hoặc nói chuyện gì đó về một ngày sắp quá. Mọi thứ đơn giản và lúc nào cũng đẹp.
Rồi cũng đến ngày tôi không còn thấy xe hàng chè quen thuộc nơi đấy nữa. Đã biết trước nhưng vẫn thấy hụt hẫng và trống rỗng vô cùng. Tôi nhớ những lời nói chân thành và ám áp của anh Đỗ Xanh, nhớ nụ cười tươi rói tinh nghịch của nhóc Đỗ Trắng giờ đã ở nơi nảo? Tôi không biết được, không phải ai cũng may mắn gặp lại người khiến mình thay đổi như thế. Tôi vẫn phải tự mình thay đổi, tự mình lựa chọn bước đi. Tôi sẽ phải bận rộn hơn, không chỉ đi học ôn luyện mà còn tham gia những buổi vui chơi, hoạt động thể thao, tình nguyện ,… cùng bạn bè. Dù không có gì đi nữa thì tôi vẫn sẽ cười và sẽ cố gắng bởi nếu tôi không làm được thì tôi sẽ thua kém bản thân tôi.
Dù đã vui, nhưng tôi vẫn thấy thiếu điều gì đó. Hằng ngày tôi vẫn tranh thủ thời gian rỗi của mình để đi dạo quanh hồ, đến nơi đó để tìm những bóng hình đó. Rồi một ngày kia tôi nhìn thấy một hàng chè gần cái ghế đá được rất nhiều người đến mua. Đúng là cái xe ấy rồi, nhưng người bán lại là một phụ nữ. Trông bà hơi mệt mỏi nhưng cười rất tươi, tất bật vui vẻ bán chè phục vụ mọi người. Có gì đó ấm áp thật đấy, người ta bình yên thì mình cũng bình yên.
Bỗng một cái bóng nhỏ nhắn thân quen từ đâu chạy vụt tới hàng chè:
- Mẹ ơi! Anh Đỗ Xanh đỗ đại học rồi! …
Hết
Gốc : Trà Meo